Vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng còn gặp khó khăn, đặc biệt là giá vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp xây dựng khó khăn hơn
Vì đợt dịch Covid-19 lần thứ tư xảy ra với nhiều ổ dịch bùng phát đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động xây dựng nói riêng. Các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục phải thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất của các doanh nghiệp xây dựng.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, có 43,5% doanh nghiệp nhận định tổng chi phí sản xuất trên 1 đơn vị sản phẩm quý II/2021 tăng so với quý I; 33,5% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, chỉ có 23% doanh nghiệp nhận định tổng chi phí trên 1 đơn vị sản phẩm giảm.
Bên cạnh đó, có 44% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên vật liệu tăng, 34,2% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên vật liệu không đổi và 21,8% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên vật liệu giảm so với quý I/2021.
Về chi phí nhân công, có 38% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công trực tiếp tăng, 39,6% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công trực tiếp không đổi và 22,4% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công trực tiếp giảm.
Trong số các doanh nghiệp khảo sát, có 63,8% doanh nghiệp có vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh quý II/2021. Trong đó, có 94,6% doanh nghiệp vay vốn từ hệ thống ngân hàng và 5,4% doanh nghiệp vay từ nguồn vốn khác. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ doanh nghiệp vay vốn từ hệ thống ngân hàng cao nhất với 96,4%, tỷ lệ này của khu vực doanh nghiệp nhà nước là 87,9% và khu vực doanh nghiệp FDI là 57,6%.
Việc tiếp cận nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng quý II/2021 không thuận lợi như quý I/2021 với 23,9% doanh nghiệp nhận định vay vốn ngân hàng khó khăn hơn.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước nhận định tình hình vay vốn ngân hàng có xu hướng khả quan hơn với 34,5% doanh nghiệp nhận định vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn; tỷ lệ này của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ là 28,2% và của khu vực doanh nghiệp FDI là 21,2%.
Khó khăn còn tiếp diễn, doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III/2021, tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn quý II chỉ là 17,8%; 33,6% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định, trong khi tiếp tục có tới 48,6% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn. Dự báo trên được các doanh nghiệp đưa ra trong bối cảnh chi phí sản xuất, giá nguyên vật liệu và chi phí nhân công đều đang tiếp tục tăng.
Cụ thể, 48,3% doanh nghiệp dự báo tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng, 33,5% doanh nghiệp dự báo không đổi và 18,2% doanh nghiệp dự báo tổng chi phí trên 1 đơn vị sản phẩm giảm. Đồng thời, 49,6% doanh nghiệp dự báo chi phí nguyên vật liệu tăng, 33,1% doanh nghiệp cho rằng chi phí nguyên vật liệu không đổi và 17,3% doanh nghiệp dự báo chi phí nguyên vật liệu giảm.
Cùng với đó, 39,8% doanh nghiệp dự báo chi phí nhân công trực tiếp tăng, 42,5% doanh nghiệp cho rằng chi phí nhân công trực tiếp không đổi, 17,7% doanh nghiệp dự báo chi phí nhân công trực tiếp giảm.
Để vượt giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần có ngay các chính sách bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép; tránh để tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao như thời gian vừa qua làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thi công của các công trình xây dựng.
Các doanh nghiệp xây dựng cũng mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi thông qua các chính sách: tín dụng, tài chính, giảm lãi suất, giãn nợ, giảm thuế; đồng thời có giải pháp hiệu quả cắt giảm thủ tục và rút ngắn thời gian thanh toán, giải ngân đối với các công trình có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê cũng nêu rõ, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục trình tự cấp giấp phép xây dựng để các công trình, dự án sớm được thi công, tạo lập nhiều kênh thông tin để lắng nghe và chia sẻ, phản hồi lại các ý kiến của các doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Cùng với sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, cũng như hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đọc thêm: Các giải pháp giúp doanh nghiệp bảo vệ chuỗi cung ứng trong mùa Covid-19