Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản của các vùng trong nước đang trong giai đoạn thu hoạch có nguy cơ ùn ứ, khó tiêu thụ, giảm giá bán. Do đó, việc cần thiết trong giai đoạn này là phải tìm hướng mở rộng kết nối tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu nông sản.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nắm bắt tâm lý hạn chế ra đường của người tiêu dùng, thời điểm này không ít cửa hàng, HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản đã thay đổi cách thức bán hàng hoặc đẩy mạnh hình thức bán hàng Online để phục vụ khách hàng.
Trong mùa dịch, nhiều đơn vị sản xuất và cung ứng nông sản đã đẩy mạnh kênh mua bán trực tuyến, giúp khách hàng lựa chọn được sản phẩm phù hợp. Những ngày này, cùng với việc cung ứng nông sản ở cửa hàng OCOP tại phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang), chị Phúc Thị Lan Hương còn tăng cường hình thức kinh doanh qua mạng để tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.
Chị Hương cho biết: Dù nông sản là mặt hàng thiết yếu nhưng dịch Covid-19 đã khiến nhiều khách hàng trực tiếp tiêu thụ nông sản như các nhà hàng giảm lượng khách; sản phẩm tiêu thụ khó khăn do hạn chế đi lại, vận chuyển giữa các tỉnh, ảnh hưởng đến doanh thu của cửa hàng. Vì vậy, việc đẩy mạnh mua bán Online đã tháo gỡ một phần khó khăn cho cửa hàng mùa dịch Covid-19. Thời gian tới, chị tiếp tục tập trung phát triển thêm kênh bán Online. Song song 2 loại hình kinh doanh cũng là xu thế tất yếu của thời đại 4.0.
Đọc thêm: Các giải pháp giúp doanh nghiệp bảo vệ chuỗi cung ứng trong mùa Covid-19
Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho biết, ngoài phát động các ngành và địa phương, người dân trong địa bàn tỉnh cùng chung tay hỗ trợ, với quan điểm khai thác tối đa thị trường trong nước, Sở Công thương còn phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên làm việc với các đơn vị phân phối bán lẻ, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kết nối tiêu thụ.
Tin vui là qua kết nối đã có doanh nghiệp thu mua khoảng 49 tấn sản phẩm nông sản các loại. Mỗi tháng, các hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hóa tiêu thụ khoảng 170 tấn sản phẩm từ các hợp tác xã và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Ông Sơn Minh Vương – Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi khảo sát thực tế, trong thời gian tới Bưu điện tỉnh này sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc kết nối vận chuyển nông sản đến một số tỉnh lân cận bằng xe bưu chính chuyên dùng. Hiện Bưu điện đã có sàn thương mại điện tử, trên sàn đăng tải các sản phẩm của mọi miền đất nước.
Thông qua sàn thương mại điện tử, Bưu điện tỉnh Bạc Liêu đã triển khai tiêu thụ nhãn xuồng, tiếp theo là tôm càng xanh và các loại nông sản khác cho nông dân trong tỉnh… Bưu điện sẽ tăng cường đăng các sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn để giúp nông dân tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Theo định hướng của ngành Nông nghiệp tỉnh, để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 là ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân; tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị trong nước.
Đồng thời, tiếp tục mở rộng nhiều thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và đa dạng hóa sản phẩm.
Đọc thêm: Các khó khăn của các doanh nghiệp xây dựng trong mùa Covid-19